Teracy's Blog

Get experience shared!

Vì Sao Ngắt Kết Nối Internet Sẽ Giúp Bạn Tập Trung Hơn Vào Công Việc?

Cuộc sống năm 2016 thật là tuyệt vời. Dù ở nhà hay ra ngoài thì các bạn vẫn luôn luôn được kết nối internet.

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh là bạn đã có cả thế giới trong tầm tay rồi. Dường như điều đó thật tuyệt vời phải không? Nhưng thực tế lại không đúng như vậy.

Hầu hết mọi người đang không sử dụng công nghệ mà bị công nghệ sử dụng.

Các ứng dụng, trò chơi, video, các bài báo, quảng cáo hay các chương trình TV đều được thiết kế để thu hút sự chú ý của bạn. Do đó bạn đã lãng phí không biết bao nhiêu thời gian mỗi tuần mà không hề hay biết. Bạn tập trung vào tất cả mọi nơi nhưng sự tập trung đó lại không dừng đúng nơi.

Bạn có nghĩ vì sao Netflix bắt đầu mỗi tập phim trong 3, 2, 1 giây không? Khi điều đó xảy ra, bạn nghĩ: “Mặc kệ, xem thêm cái này đã.”

Điều này cũng tương tự với YouTube. Bạn có nghĩ vì sao những gợi ý của nó lại tốt như thế không? Bạn bị đắm chìm vào trong những ràng buộc đó và điều này cũng áp dụng cho tất cả các nội dung. Sẽ luôn luôn có một video, 1 tập phim, bài báo, trò chơi tiếp theo lôi cuốn bạn.

Lạ kỳ rằng, hầu như những người mà đọc những thể loại báo kiểu này đều biết rằng mất tập trung là rất tệ. Và trong những năm gần đây, có một số lượng lớn các bài báo và các sách nghiên cứu đã nói về ảnh hưởng xấu của việc xao lãng.

Đặc biệt, nghiên cứu của Gloria Mark và các đồng tác giả đã chỉ ra rằng xao lãng có mối liên quan với mức độ căng thẳng hơn, sự thất vọng cao hơn, áp lực thời gian và nỗ lực.

Làm việc tập trung là rất khó. Chúng ta luôn bị phân tâm.

Và đó không phải là lỗi của bạn. Hầu hết các công nghệ đều tác động vào bản năng căn bản và khoá bạn lại, biến bạn thành người tiêu dùng.

Vì vậy, đừng nghĩ về việc chống đối lại internet hay công nghệ. Tôi cá là bạn cũng đã từng thử làm như thế trong quá khứ. “Tôi sẽ không bao giờ lướt web vô thức hàng giờ liền nữa”. Đúng thế!

Điều gì sẽ mang lại hiệu quả đây? Gần đây, tôi đã viết về việc làm thế nào để đánh bại sự trì hoãn bằng cách tạo ra 1 hệ thống. Một trong những phần quan trọng nhất của hệ thống đó là:

HÃY NGẮT KẾT NỐI INTERNET

Và chỉ có duy nhất 1 lý do để làm điều đó: cái gì nhiều quá cũng không tốt, kể cả nhiều thứ tốt cũng thế.

  • Luyện tập quá nhiều? Cơ thể sẽ bị quá tải.

  • Yêu quá nhiều? Bạn sẽ làm người khác ngột ngạt.

  • Làm việc quá nhiều? Bạn sẽ bị kiệt sức.

  • Ăn quá nhiều? Bạn sẽ bị béo phì.

  • Quá nhiều nước? Bạn sẽ bị chết đuối.

Vậy tại sao bạn phải sử dụng internet quá nhiều như thế? Tôi đã tự hỏi chính mình điều này cách đây 2 năm. Tôi đã không có câu trả lời. Vì tôi đã nghĩ, tôi làm mọi thứ trong tầm kiểm duyệt của mình, tại sao lại không có internet?

Tôi sớm phát hiện ra rằng không hề có sự kiểm duyệt với việc sử dụng internet. Nó giống như một bữa tiệc tự chọn vậy. Bạn đã no, nhưng bạn vẫn tiếp tục ăn. Và sau khi bạn đã nhồi nhét bản thân mình, bạn lại cảm thấy hối tiếc vì đã làm thế.

Và điều này tương tự như việc sử dụng internet. Nó quá hấp dẫn, thoả mãn sự tò mò của bạn và có ở mọi nơi. Do vậy mà bạn đi khắp nơi cùng với nó, YouTube, Whatsapp, Facebook, Snapchat…

Tôi đang cố loại bỏ mọi thứ làm mình xao lãng. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn sống như một kẻ ẩn dật, vì vậy tôi phải tìm ra một nền tảng hợp lý có hiệu quả.

Tôi đã tìm thấy rằng một tinh chỉnh đơn giản trong thái độ của tôi đối với internet đã làm được thủ thuật đó.

Tôi chuyển từ “Luôn luôn kết nối” thành “Luôn luôn ngắt kết nối”.

Thực tế, nó hoạt động như thế này:

  • Trên điện thoại của mình, wifi và dữ liệu di động thường xuyên bị tắt. Tôi chỉ bật khi nào mình cần.

  • Trên máy tính, tôi sử dụng 1 ứng dụng gọi là SelfControl (chỉ dành cho máy Mac) trong suốt thời gian tôi làm việc (nếu bạn dùng Windows thì hãy thử FocusMe). Ứng dụng này chặn các trang web làm bạn bị phân tán. Ưu điểm là những ứng dụng mà tôi cần như Evernote, DayOne, Office365 vẫn kết nối vì thế tôi có thể lưu trữ công việc của mình trên các dịch vụ đám mây.

“Luôn luôn kết nối” không phải là điều tốt cho sự tập trung và năng suất của bạn

Nó giống như đến phòng tập hoặc ăn tối, hay có một buổi tối lãng mạn với nửa kia của bạn. Bạn không làm những điều này trong 24 giờ một ngày. Bạn chỉ làm khoảng 30 phút, một giờ hoặc một vài giờ. Làm những việc này quá nhiều đơn giản là không mang lại hiệu quả.

Việc ngắt kết nối internet đã mang lại những điều kì diệu cho tôi. Tôi không cảm thấy cần phải cấp bách kiểm tra điện thoại, email hay các tin tức 500 lần mỗi ngày như trước kia nữa.

Và sau một thời gian, bạn cảm thấy bạn không bị bỏ lỡ bất cứ điều gì cả. Điều đó mang lại cảm giác bình tĩnh cho cuộc sống của bạn.

Tôi cũng nhận được nhiều hơn cho mỗi ngày của mình; tôi đạt được nhiều điều hơn trước kia, cảm thấy ít bị phân tâm hơn, và có nhiều thời gian cho những điều làm tôi hạnh phúc hơn.

Vào cuối ngày, internet chỉ là một công cụ. Tuy nhiên, một số người trong chúng ta lại nghĩ nó là mọi thứ. Nhưng tôi khá tự tin rằng, nhiều năm tới tôi sẽ không cần nhìn lại và hối tiếc vì đã không dành đủ thời gian cho internet.

Bạn có thể tưởng tượng được không? Bạn đang hấp hối trên giường bệnh và bạn nói với gia đình mình rằng: “Tôi rất vui vì đã được xem quá nhiều FAIL Complilation trên YouTube”.

Chắc chắn là bạn sẽ không nhìn lại thời gian đó. Có thể bạn sẽ nhớ lại thời gian bạn ở bên gia đình và bạn bè của bạn, hay những kỷ niệm khi bạn đi du lịch, hay sự vui thích trong công việc của mình.

Vì vậy hãy ngắt kết nối internet đi. Nó không mang lại cho bạn điều gì ngoài sự xao lãng.

Và sau khi đọc bài viết này, bạn hãy ngắt kết nối internet đi nhé.

Bạn sẽ có một số triệu chứng cai nghiện giống như cầm điện thoại lên khoảng 100 lần, hoặc ấn nút F trên bàn phím để mở Facebook mọi lúc. Nhưng tôi hứa với bạn điều này: Ngắt kết nối sẽ giúp bạn làm được nhiều hơn và đó chính là cuộc sống mà bạn hướng tới.

Dịch từ: Why Disconnecting From The Internet Improves Your Focus

Comments